|
Nhà văn Hiramatsu Tomoko giới thiệu tác phẩm “Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ làm thay đổi thế giới”. |
PV: Thưa nhà văn Hiramatsu Tomoko! Được biết, ngoài công việc của một nhà văn, bà còn hoạt động từ thiện. Điều gì khiến bà quyết định sẽ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) tỉnh Quảng Nam toàn bộ tiền bán sách của mình trong dự án “Nhà nhân ái” ?
Nhà văn Hiramatsu Tomoko: Từ bà Nguyễn Thị Bình, tôi biết tới Quảng Nam. Tôi biết Quảng Nam và Quảng Trị là 2 tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất trong 2 cuộc chiến. Đây là quê hương của những nhân sĩ yêu nước, của cụ Phan Châu Trinh - ông ngoại bà Nguyễn Thị Bình.
Lần đầu tiên tôi đến thăm Quảng Nam vào năm 2012, gặp các nạn nhân CĐDC tại đây, tôi đã nghĩ mình phải làm gì đó, ít nhất cho các nạn nhân này. Từ em An ở huyện Núi Thành, dù bản thân là một nạn nhân mang dị tật rất nặng, nhưng em nói “vẫn có nhiều người đau khổ hơn gia đình cháu, xin hãy giúp đỡ họ”. Hay anh Nam ở huyện Duy Xuyên đã vừa khóc vừa kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn khi phải nuôi 2 đứa con bị phơi nhiễm CĐDC. Tôi đã hiểu hơn về người Quảng Nam, khi tiếp xúc với bà Bình, khi biết được sự cảm thông với bạn bè của em An hay sự lo lắng về tương lai con cái của anh Nam.
Tôi luôn mong muốn giữa chúng ta sẽ có được mối quan hệ như là người thân có thể sẻ chia với nhau nhiều thứ, từ những lo lắng đau khổ và cả những niềm vui trong cuộc sống. Cùng với Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng được 4 ngôi nhà mang tên “Nhà nhân ái” cho nạn nhân CĐDC tại Duy Xuyên, Phú Ninh, Tiên Phước và Thăng Bình. Không chỉ dừng lại ở ngôi nhà số 4, tôi muốn có thêm ngôi nhà số 5, số 6…
|
Chân dung nhà văn. Ảnh: Song Anh |
Nhà văn Hiramatsu Tomoko sinh năm 1941, từng tham gia phong trào phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam của đế quốc Mỹ những năm 1960. Hiện là nhà văn đương đại của Nhật chuyên viết về các nữ nhân vật có ảnh hưởng ở châu Á. Bà là người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng hòa bình hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama, Nhật Bản.
|
PV: Chúng tôi rất cảm ơn và trân trọng tấm lòng của bà với nạn nhân CĐDC cũng như người dân Quảng Nam. Quay lại với tác phẩm bà đã dành hơn 2 năm để hoàn thành, cuốn sách “Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ làm thay đổi thế giới”, bà có thể cho biết cụ thể hơn về phần trọng tâm trong một tác phẩm dày hơn 300 trang này?
Nhà văn Hiramatsu Tomoko: Năm 2008, lần đầu tiên tôi được gặp nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Bình. Tôi đã bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc với người phụ nữ kiên cường của Việt Nam, người phụ nữ làm hết sức mình vì nhân dân. Tôi đã có 3 cuộc phỏng vấn dài với bà Nguyễn Thị Bình, được bà cung cấp cả hồi ký và hình ảnh có giá trị.
Cuốn sách chủ yếu xoay quanh cuộc đời bà Bình và những cuộc gặp gỡ định mệnh để bà đến với cách mạng cũng như lý tưởng bà chọn trong suốt cuộc đời của mình.
Phần trọng tâm vẫn là giai đoạn bà Bình tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Tôi còn nhớ trong quá trình phỏng vấn bà, tôi có nhắc đến câu chuyện Henry Kissinger (nguyên Cố vấn an ninh Quốc gia Hoa Kỳ thời Richard Nixon - PV) nói với bà “Tôi không muốn nhìn thấy bà”, và bà Bình đáp trả lại “Mỹ hãy cút ngay khỏi Việt Nam”. Bà Bình khẳng định câu chuyện đó có thật, và sau khi Hiệp định Paris kết thúc, chính nhân vật này đã đổi cách xưng hô với bà.
PV: Lý do nào bà chọn nhân vật Nguyễn Thị Bình?
Nhà văn Hiramatsu Tomoko: Từ khi còn rất trẻ, tôi đã được chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi cũng là một trong những người tham gia vào các cuộc biểu tình, trong đó có cuộc diễu hành chống chiến tranh ở Việt Nam từ Saitama tới tận Okinawa. Năm 1969, khi xem Hội nghị Paris về vấn đề chiến tranh ở Việt Nam trên truyền hình, tôi thấy một phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rất đĩnh đạc đại diện cho phái đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên và khâm phục.
Thử nghĩ xem, giữa một hội nghị 4 bên, chỉ toàn nam giới, xuất hiện một bóng hồng. Lúc ấy, tôi có một cảm xúc rất mãnh liệt về con người Việt Nam. Một phụ nữ đại diện cho một dân tộc anh hùng đang đàm phán vấn đề hòa bình cho Việt Nam. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình khiến tôi tin tưởng chắc chắn rằng “Việt Nam nhất định sẽ thắng Mỹ”.
Trong suốt những năm sau này, ấn tượng về bà Bình luôn theo đuổi tôi. Tôi muốn viết về bà Nguyễn Thị Bình, về đất nước Việt Nam, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam và cả những gì sau cuộc chiến. Tôi đã nhờ bạn bè tại Việt Nam để có thể sắp xếp cuộc gặp gỡ với bà Nguyễn Thị Bình, nhưng rất nhiều lần tôi bị từ chối vì lý do bà Bình rất bận. Năm 2008, cơ duyên đã đến với tôi. Năm 2010, tôi hoàn thành cuốn sách và xuất bản. Tôi cũng đã gửi sách biếu bà Bình. Tôi chọn màu hồng làm bìa sách, vì tôi biết người Việt Nam rất chuộng hoa sen - một loại hoa tượng trưng cho sự thanh khiết, mạnh mẽ và với tôi, bà Bình cũng là biểu tượng như vậy.
PV: Dư luận Nhật Bản đánh giá như thế nào về tác phẩm “Nguyễn Thị Bình - người phụ nữ làm thay đổi thế giới” của bà?
Nhà văn Hiramatsu Tomoko: Thật ra, trước tôi, đã có một nhà văn viết về bà Bình. Tuy nhiên, họ chỉ giới thiệu sơ lược những thông tin và những dấu mốc của cuộc đời bà Bình. Đến lượt mình, tôi muốn có một cuốn sách thật chi tiết về người phụ nữ rất nổi tiếng này để người Nhật biết về một Việt Nam thật anh hùng qua bà Bình.
Quyển sách của tôi viết về bà Bình được các báo lớn nhất của Nhật Bản giới thiệu và trích đăng. Cuốn sách đã thu hút độc giả tìm đọc để khám phá đất nước, con người và trí tuệ Việt Nam qua một phụ nữ tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Bình. Cuốn sách này đã được tái bản lần thứ 2. Tiền bán sách được 4.000 USD. Và tôi quyết định ủng hộ tất cả cho nạn nhân CĐDC Quảng Nam.
PV: Ở góc độ một người phụ nữ châu Á, bà nghĩ như thế nào về bà Bình?
Nhà văn Hiramatsu Tomoko: Một người phụ nữ rất tuyệt vời. Khi nói về bà Bình, tôi chỉ có thể diễn đạt bằng từ “tuyệt vời”. Bà Bình có 5 người em; khi mẹ mất sớm, bà vừa đảm nhiệm vai trò làm chị, vừa làm mẹ. Và bà chu toàn hai vai trò đó. Khi tôi kết thúc cuộc phỏng vấn với bà, bà Bình đã ôm tôi như một người chị em. Tôi nhớ mãi về điều đó.
PV: Bà có dự định viết thêm những tác phẩm về Việt Nam?
Nhà văn Hiramatsu Tomoko: Việt Nam là đất nước tôi yêu quý, cảnh vật và con người Việt Nam luôn gây hứng thú với tôi. Tôi sẽ tiếp tục viết về những người nghèo, những nạn nhân CĐDC ở các tỉnh miền núi. Tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình tại Việt Nam.
PV: Xin cám ơn bà về cuộc gặp gỡ này!