Đêm giao thừa cùng những đứa "con dưng"
Năm 2012, khi Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động chương trình "Ươm mầm hữu nghị", giúp đỡ du học sinh nước bạn đến học tập tại Việt Nam, bà Trương Thúy Uyên (SN 1966, ngụ quận 4, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TPHCM) tình cờ biết đến Na, một sinh viên 18 tuổi, người Campuchia.
Đến giờ, bà Uyên không nhớ rõ tên thật của nữ sinh mà chỉ nhớ mỗi biệt danh "Na" mà bà đã đặt cho cô bé. Na là một sinh viên nhút nhát, lúc nào cũng sợ và khó gần.
"Con là nữ nên trước khi rời nhà sang Việt Nam học, gia đình con cũng dặn dò rằng không nên tiếp xúc nhiều với người lạ. Thời gian đầu, tôi có mời con đến nhà chơi nhưng con từ chối. Con còn không dám trả lời tin nhắn, không đồng ý đi ăn cùng tôi", bà Uyên kể.
Sau một thời gian trò chuyện và lắng nghe, cả Na và bà Uyên mới dần hiểu rồi trở nên tin tưởng nhau hơn. Lần đầu tiên, bà Uyên dẫn một đứa trẻ lạ mặt đến nhà ngủ ngay trong đêm giao thừa.
"Lúc đầu, gia đình cũng sợ và e dè lắm, nhưng sau đó thì cũng ủng hộ tôi giúp đỡ con. Na còn được nhận lì xì như con cháu trong nhà", bà Uyên nói.
Bà chia sẻ, nhiều sinh viên Campuchia xa nhà sang Việt Nam học tập có hoàn cảnh không mấy khá giả. Sang Việt Nam, các con gặp khó trong việc hòa nhập với cuộc sống nhưng không biết tìm đến ai giúp đỡ. Vì thế, bà càng cảm thấy thương và muốn hỗ trợ các con nhiều hơn.
Sau Na, bà Uyên tiếp tục nhận đỡ đầu thêm một số sinh viên khác, đến nay đã được 8 em. Dần dà, phong trào này được lan tỏa ngày càng rộng rãi.
Đến năm 2019, khi chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia" được đưa vào thí điểm, chính thức triển khai từ năm 2022, càng có nhiều sinh viên nước ngoài được các mẹ Việt Nam đỡ đầu hơn.
Trong chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia" năm 2024, có 96 gia đình Việt nhận đỡ đầu cho sinh viên nước ngoài, tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái.
Biết ơn mẹ Việt Nam
Nhờ sự giúp đỡ của các mẹ, nhiều sinh viên nước ngoài từ một người nhút nhát trở nên vô cùng cởi mở. Chẳng hạn như Chandara (quốc tịch Campuchia), sinh viên ngành Xây dựng của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Vì mất mẹ, ba ở nhà già yếu nên Chandara hầu như không có ai kề cận, chỉ bảo cho cậu trong những ngày tháng xa nhà.
Ngày gặp bà Uyên, Chandara được bà mời về nhà ăn đám giỗ để cảm nhận không khí gia đình. Bà Uyên còn gói trái cây, bánh kẹo để cậu mang về ký túc xá. Dần dà, cậu trở nên thân thiết và thường xuyên lui tới nhà bà Uyên hơn. Chandara còn phụ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người mẹ bị liệt của bà Uyên.
Leangchcheng (quốc tịch Campuchia), nữ sinh năm cuối trường Đại học Tôn Đức Thắng, lúc nào gặp mặt cũng xưng "mẹ, con" thắm thiết với bà Uyên.
Leangchcheng lớn lên tại một vùng quê nghèo ở Campuchia, ba làm ở lò đất sét còn mẹ bán tạp hóa. Ngày nhận được học bổng sang Việt Nam, Leangchcheng vừa mừng vừa lo vì không biết sẽ xoay sở cuộc sống ở nước ngoài ra sao.
"Khi đặt chân đến Việt Nam, tôi hầu như không biết sẽ làm gì tiếp theo. Tôi khóc nhiều vì nhớ nhà, chưa rành ngôn ngữ, việc ăn uống cũng chưa quen miệng", Leangchcheng nói.
Đến khi được gặp bà Uyên, cuộc sống của Leangchcheng đã trở nên tốt hơn. Đợt dịch Covid-19, Leangchcheng bị nhiễm bệnh, phải cách ly trong khu phong tỏa. Bà Uyên chính là người mua thực phẩm và thuốc gửi vào khu cách ly cho "con gái".
Mỗi ngày, bà Uyên luôn nhắn tin động viên Leangchcheng, khiến cô không khỏi xúc động. Giờ đây, Leangchcheng đã có một công việc ổn định, hằng tháng gửi tiền về phụ giúp ba mẹ.
Tháng 6 vừa qua, bà Uyên còn sang thăm gia đình của Leangchcheng tại Campuchia. Khi gặp bà, mẹ của Leangchcheng đã nắm tay và cảm ơn rối rít.