|
Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh. Ảnh: Mai Phương/PV TTXVN tại Cuba |
Nhận định đó của Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, đã phần nào nói lên tình cảm kính trọng, khâm phục của cộng đồng quốc tế đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu như giới nghiên cứu quốc tế ca ngợi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, thì những người dân bình thường không bao giờ quên những kỷ niệm xúc động khi được gặp Bác với niềm kính yêu vô bờ. Chia sẻ với các phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người bạn quốc tế một lần nữa ôn lại hành trình gian nan Người "đi tìm hình của nước", bày tỏ niềm kính yêu và sự khâm phục những phẩm chất cao quý, tư tưởng vĩ đại của Người, cũng như đề cao vai trò to lớn của Bác đối với sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam nói riêng và phong trào cách mạng quốc tế nói chung.
Nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, Tiến sĩ González Sáez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, hết sức ngưỡng mộ Bác Hồ - người đã vượt lên hoàn cảnh bằng tư tưởng và hành động, dành cả cuộc đời đấu tranh không biết mệt mỏi và trở thành nhân vật của mọi thời đại. Học giả Cuba nêu rõ Người đã trở thành kiến trúc sư của một nước Việt Nam mới, Người dẫn đường đưa dân tộc thoát khỏi bóng tối của chủ nghĩa thực dân, xóa nạn mù chữ, trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa tươi đẹp mười lần hơn xưa.
Tiến sĩ Tôn Văn Bân - Giám đốc Trung tâm Biên niên sử Hong Kong, ghi nhớ khá nhiều câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tên gọi khi đó là Tống Văn Sơ, trong quãng thời gian Người ở Hong Kong (Trung Quốc) từ năm 1930 - 1933. Điều khiến bà có ấn tượng sâu sắc nhất chính là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn thời gian và địa điểm phù hợp để tổ chức hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930.
|
Nhà sử học John Callow trả lời phỏng vấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Phong Hà.TTXVN |
Nhắc đến những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, sử gia người Anh John Callow nhận định khó có thể hình dung sự nghiệp giải phóng dân tộc hay con đường độc lập của Việt Nam mà không có sự hiện diện và dấu ấn cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch là hành trình lâu dài, phong phú, mà ở đó Người không ngừng học hỏi, thích nghi và phát triển. Ông Callow đặc biệt lưu ý tính thích ứng là một trong những “bí mật” đằng sau sự vĩ đại của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Người luôn ý thức rõ việc học hỏi những điều mới mẻ, tích cực từ phương Tây để nâng tầm văn hóa Việt Nam song vẫn gìn giữ bản sắc truyền thống.
Những phẩm chất này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành vị lãnh tụ thực sự nổi bật, một chính khách tầm cỡ thế giới, luôn nắm vững tinh thần quốc tế cộng sản, luôn nhìn thấy sự đoàn kết của Đảng, của nhân dân nhưng cũng là sự đoàn kết của phong trào xã hội chủ nghĩa rộng hơn. Chính sự linh hoạt và tính thích ứng của Tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp Đảng và Nhân dân Việt Nam phát triển đất nước một cách sáng tạo, tái thiết đất nước sau những tàn phá của chiến tranh, vượt qua những khó khăn lớn trong cuối những năm 1980, để tồn tại và phát triển trong một thế giới có nhiều thách thức.
Bùi ngùi và xúc động khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Poldi Sosa Schmidt, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam (ICAV), nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh hồn của cuộc cách mạng Việt Nam, đã hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam. Bà bày tỏ vô cùng ấn tượng và cảm động trước những nỗ lực phi thường của Người. Người đã đi nhiều nơi trên thế giới, làm việc vất vả, trải nghiệm cuộc đời lao động của giới cần lao. Người đã tìm hiểu, tiếp cận tư tưởng cách mạng tiến bộ, từ đó tìm ra con đường phù hợp nhất để giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi ách đô hộ của chế độ thực dân Pháp. Những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho Việt Nam và nhân loại thực sự rất tuyệt vời.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, phẩm chất đạo đức tuyệt vời và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến bạn bè quốc tế thán phục. Nhà nghiên cứu González Sáez đặc biệt ấn tượng với phong thái giản dị, khiêm nhường và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời dạy của Người vừa thấm đẫm giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, vừa giản dị, dễ truyền tải, dễ ghi nhớ.
Trong khi đó, sử gia người Anh Callow chỉ ra rằng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội tụ các phẩm chất của một người yêu nước, một nhà cách mạng, học giả, nhà thơ, chính trị gia, nhà lý luận và người theo chủ nghĩa Marx vĩ đại. Tất cả những phẩm chất này hòa quyện với nhau, tạo nên một vị lãnh tụ xuất chúng. Đức tính nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự khiêm nhường. Người không xuất hiện như một lãnh tụ xa cách, mà thuộc về nhân dân, là một phần của nhân dân. Đây chính là sợi chỉ xuyên suốt đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và cả nước vì sự nghiệp chung.
Nhân cách và phong cách sống giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại những ấn tượng khó phai đối với những người từng được gặp và tiếp xúc với Bác. Khi nhớ lại kỷ niệm được gặp và được Bác hỏi chuyện khi Người ra sân bay đón Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov đến thăm Việt Nam năm 1957, bà Vương Phong, con gái của cố nhà báo Vương Duy Chân, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã (Trung Quốc) tại Hà Nội, lại bồi hồi, xúc động. Dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, hình ảnh "một vị anh hùng dân tộc vĩ đại, cao quý, bình dị, râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ" dường như vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí của "cô bé" Vương Phong ngày ấy.
"Tôi sẵn sàng ghép những cành vì hòa bình và tình bạn giữa các dân tộc, vào tất cả thời gian rảnh của mình". Lời chia sẻ mộc mạc, chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi là một trong các đại diện của 173 quốc gia trên thế giới ghép cành vào Cây Hữu nghị nổi tiếng ở Sochi (Nga) - một thân cây gồm 45 loại quả khác nhau cùng đơm hoa kết trái - đã toát lên tính nhân văn trong tư tưởng của Người. Đó là tinh thần yêu chuộng hòa bình, là khát vọng đóng góp xây dựng nền hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Tư tưởng nhân văn và tiến bộ vượt bậc của Người không chỉ sống mãi trong trái tim của muôn triệu người Việt Nam "mà còn vượt ra ngoài biên giới Việt Nam và có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với toàn nhân loại", như nhận định của Tiến sĩ González Sáez.